Cây cau ta hay còn gọi là cây cau ăn trầu, là một loại cây đã rất quen thuộc với người dân Việt Nam. Nó tượng trưng cho một hình ảnh thôn quê đơn sơ, mộc mạc và gần gũi. Chính vì thế mà những sân vườn biệt thự, các công trình cảnh quan trồng loại cau này để tạo cảm giác được nhìn lại những cái xưa cũ của con người.
Đặc điểm hình thái của cây cau ta
Cây cau ta có tên khoa học là Areca catechu L, thuộc họ Cau dừa (Arecaceae).
Cây có nguồn gốc từ Đông Nam Á và nay được trồng nhiều ở khu vực nhiệt đới châu Á và Thái Bình Dương.
Cau là cây thân cột, có thể cao đến hơn 20m. Dáng cau cao và thẳng tắp. Thân nhỏ có đường kính khoảng từ 10 đến 15cm, vỏ màu xám nâu hoặc xám trắng. Trên thân có nhiều đốt là các vết sẹo do các mo cau rụng để lại, càng lên cao thì khoảng cách giữa các đốt càng ngắn lại.
Lá cau thuộc loại lá đơn dài khoảng hơn 1,5m, xẻ thùy sâu hình lông chim. Khi còn non lá được gấp nếp với nhau theo chiều dọc.
Hình ảnh mo cau xuất hiện rất nhiều trong cuộc sống người dân miền quê như gáo mo cau, quạt mo. Mo ở đây chính là chỉ bẹ lá của cây cau, ôm quanh thân, khi rụng để lại sẹo thành các đốt trên thân cau.
Hoa cau màu trắng ngà, nhỏ như hạt gạo, mọc thành chùm ở nách lá. Nếu trước sân nhà bạn đã từng trồng cau thì khi hoa cau nở, hương thơm của nó sẽ khiến bạn khó có thể quên. Hít thở hương thơm đấy bao nhiêu cũng không chán, bao nhiêu cũng là không đủ.
“Hoa cau rụng trắng sân nhà em
Mà hương cau ngan ngát quanh vườn trầu
Lá vẫn xanh tươi màu
Xin ai đừng để lá trầu vàng …”
Quả cau thì có hình trái xoan, quả hạch cứng, có màu xanh lá đậm, khi chín có màu vàng. Là miếng cau mà các bà, các cụ nhà ta vẫn dùng để nhai trầu.
Đặc điểm sinh lý của cây cau ta
Cây cau thích hợp với những nơi có đất ẩm, đất tốt.
Khi còn nhỏ thì cây cau ưa bóng, nhưng càng lớn cây càng ưa sáng.
Cây cau trên 5 tuổi mới có khả năng ra hoa và cho quả.
Cau cho hoa rải rác từ tháng 3 đến tháng 8 và quả thường chín từ tháng 12 cho đến tháng 3 năm sau.
Công dụng của cây cau ta
Cây cau thường được trồng làm cây cảnh đẹp, trang trí vườn tược, tạo cảnh quan cho khu biệt thự, chung cư cao cấp. Cũng có thể trồng cây ở đường dẫn từ cổng vào nhà, vừa tạo được nét đẹp vừa lấy bóng mát….
Quả cau thường được dùng cho các dịp lễ, cưới hỏi, dùng để nhai trầu khử hôi miệng và làm chắc răng…rất có giá trị về mặt kinh tế.
Thân cau rất cứng, bền và mối mọt nên thường được sử dụng để làm lui lợp nhà.
Ruột cây cau thường được sử dụng để làm môi trường sống cho các loại phong lan.
Mo cau có thể để làm những vật dụng đơn giản thường ngày như gáo múc nước, quạt mo cau…
Cách trồng và chăm sóc cây cau ta
Bản thân là loại cây ưa sáng nên trồng cau ở ngoài trời, có thể trồng dưới bóng cây lớn.
Cây Cau Ăn Trầu được nhân giống chủ yếu bằng hạt (quả). Nên chọn cây cau ‘mẹ’ khỏe, xanh tốt dưới 8 năm tuổi, khi quả còn nhỏ, bỏ bớt một số chùm đầu, chọn những quả mẩy, đều, để cho chín vàng mới thu hoạch.
Khi thu hoạch chỉ để 3 – 5 ngày, sau đó cắt bỏ phía đầu vỏ quả, tạo điều kiện cho mầm phát triển và đưa vào ủ trong cát sạch để nảy mầm rồi mới cho vào luống ươm. Trong quá trình ủ cần giữ độ ẩm khoảng 70 – 80% và đề phòng kiến, bọ hung cắn phá. Khoảng 20 ngày sau, mở bao nếu thấy đầu cuống quả có nẩy lên một mộng nhỏ màu trắng, to bằng hạt đậu xanh thì nghĩa là cây đã nẩy mầm. Sau khoảng 3 – 4 tháng sau, cây Cau cao 20 – 30cm có thể mang đi trồng nơi cố định.
Do Cau Ăn Trầu là cây vừa có khả năng tự thụ phấn, vừa là cây giao phấn nên khả năng phân ly lớn. Hạt lấy từ cây cau mẹ chưa chắc sau này cây con đã mang những đặc tính của cây mẹ mà chỉ giữ được khoảng 30% đặc tính di truyền của Cây Cau Mẹ.
Theo kinh nghiệm dân gian chỉ dẫn nên chọn Cây Cau Ăn Trầu đã cho thu quả 2 – 3 vụ và quả ở buồng cuối thì tỷ lệ nảy mầm và sức sinh trưởng của cây con sẽ cao hơn.
Nguồn: https://www.cayantrai.org/ky-thuat-trong-cay-cau-an-trau/